Thời vụ trồng rau trên sân thượng:
Mùa vụ rau phụ thuộc chủ yếu vào ngưỡng chịu nhiệt, ở những vùng mát mẻ như Đà Lạt, Mộc Châu, Sapa, Măng Đen,.. thì có thể trồng được hầu hết tất cả các loại rau mà vùng khác không thể, vì vậy, các vùng còn lại đa phần sẽ trồng rau theo từng mùa vụ. Ở miền Nam, một số loại rau có thể trồng được ở sân thượng vào mùa hè/quanh năm như:
- Các loại rau ăn lá: các loại cải, rau dền, mồng tơi, rau đay, rau quế, xà lách, ngò gai, hành lá, rau muống, ngót nhật, tía tô, rau răm, rau muống, hành lá,…
- Các loại ăn củ – quả: cà pháo, đậu bắp, ớt, chà chua, cà tím quả dài,…
- Các loai ăn quả dạng dây leo: bầu, bí, đậu rồng, mướp, dưa leo, khổ qua,…
- Các loại cây ăn trái ghép: mận, ổi, sơ ri,..
Ngoài các loại rau như trên, ở miền Bắc, có thể trồng thêm các loại sau và vụ thu đông hoặc đông xuân: bắp cải, củ cải trắng, đỏ, canh, cải thảo, su hào, súp lơ, cải kale, cải xoong, các loại xà lách, cải cúc, cải bó xôi, cầu vồng, cà rốt,…
Chọn giống rau trồng trên sân thượng:
Tùy vào từng loại mà chọn trồng từ hạt giống hoặc cây giống. Tuy nhiên, cần phải chọn giống có nguồn gốc rõ ràng, đảm bảo chất lượng: sạch bệnh, tỉ lệ nảy mầm cao. Có một số loại có thể gây giống bằng cành như một số rau gia vị.
Đất trồng các loại rau trên sân thượng:
Các loại rau là giống ngắn ngày, bộ rễ nông nên đất xốp giúp bộ rễ phát triển nhanh hơn, đất cứng hoặc quá chặt sẽ khiến không khí lưu thông kém, dẫn tới cây hấp thụ oxi từ rễ kém, vì vậy việc hấp thụ dinh dưỡng và oxi kém làm rau còi cọc, nhanh già.
Phân bón:
Dinh dưỡng cung cấp cho cây từ nhiều nguồn: đất, không khí, tàn dư thực vật… và từ phân vô cơ, phân hữu cơ bổ sung từ quá trình bón lót, bón thúc. Ở nơi có nhiệt độ cao như sân thượng, thường các vi sinh vật phân giải các chất sẽ dễ bị tiêu diệt vào mùa hè, vì vậy nên bổ sung phân bón thường xuyên cho cây.
Các loại phân bón cho cây có thể sử dụng: các loại hữu cơ sinh học đã ủ hoai: phân bò, trùn quế, phân gà, phân dê, phân dơi,..Hoặc các loại phân vô cơ: NPK, DAP, Ure, Super lân, Kali,..
Các loại phân hữu cơ, phân lân, kali dùng bón lót trong khi làm đất. Phân đạm có thể bón thúc nhiều lần. Do có thời gian thu hoạch ngắn, ăn lá và thu nhiều lần nên cần có chế độ bón phân hợp lí, cân đối và phải đảm bảo thời gian cách ly trước khi thu hoạch.
Phòng trừ sâu bệnh:
Hầu hết các loại rau ăn lá đều sẽ xuất hiện các loại sâu bệnh gây hại bởi đặc tính “ thơm ngon” khi cây còn non. Các loại sâu bọ thường gặp như: sâu xanh, sâu tơ, sâu vẽ bùa, sâu xám, bọ nhảy, rệp, nhện đỏ,…Các loại bệnh: bệnh Clubroot, bệnh đốm đen, héo xanh, rỉ sắt, phấn trắng, sương mai, thán thư, vàng lá, thối nhũn,…
Để phòng trừ sâu bệnh cần áp dụng một số biện pháp phòng trừ như: làm đất, mùa vụ thích hợp, vệ sinh sạch sẽ nơi trồng, sử dụng thiên địch, nếu sử dụng thuốc bảo vệ thực vật thì nên dùng các loại có trong danh mục được phép sử dụng trên cây rau. Ưu tiên phun các loại thuốc có nguồn gốc vi sinh, thảo mộc. Ngừng phun thuốc trước khi thu hoạch theo đúng hướng dẫn trên bao bì.